TRUYEN 99 CHU

Giá mà
tác giả: Lê Di


Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .

Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!
Một buổi sáng
tác giả: unknown


Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.
Nghỉ lễ
tác giả: Nguyễn Tuấn Kiệt

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố làm việc.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
- Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Ráng đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái. Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
- Vậy là tết thằng nhỏ mới về được...
Khoảng cách
Chi Chi

Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.

Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.

- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.

Nàng nhìn anh trân trối:

- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...
Lãi
Tuỳ Nghi

Quán rất nghèo, lèo tèo dăm chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.

Con trai càu nhàu:

- Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.

Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: "Lãi của quán, dành cho con". Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.
Quà Của Ngọai
Nguyễn Việt Hậu


Từ quê, ngọai mang thùng mì lên thăm tôi. Tôi cười nói: "Mì ở đâu mà không có, ngọai mang lên đây làm gì ?"
Mắt ngọai đỏ, Ngọai nghèo, lòng ngọai chỉ có bấy nhiêu. Cuối tháng, tiền đến muộn, mượn bạn bè không có ... Bụng cồn cào, trong đầu cứ nghĩ miên man: không biết ìm đâu ra tiền để sống, chắc đành tạm biệt cái quần mới mua hôm Tết ... Bất chợt, 1 tia sáng trong đầu lóe lên: Vẫn còn quà của Ngọai!
Bố
Phùng Thành Chủng

Bố nghiện rượu. Nhà nghèo, mẹ vẫn lo cho bố đủ ngày ba bữa. Được cái, chưa bao giờ thấy bố say. Ngược lại, rượu vào, hình như bố tỉnh ra ...

Không hiểu bố,một lần tôi bảo: "Bố uống ít thôi!". Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: "Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!"

... Tôi đi làm xa. Bố mất. Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc.
Con Gái
Nguyên Lữ

Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa: "Con gái là con người ta".
Mẹ gục đầu vào vai anh nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại… Mẹ cũng là con gái…

Thành phố
- Cỏ May -

Năm thứ nhất, nàng từ dưới quê lên thành phố trọ học. Cả khu nhà trọ sinh viên chẳng ai có xe máy, nàng vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn đồng hội đồng thuyền.

Năm thứ hai, nàng là người đầu tiên có xe máy, ăn bận thật mode, nhưng dẫu chưa tốt nghiệp, nàng đã không còn là sinh viên, cũng không còn là nàng nữa. Đám bạn sinh viên giờ nàng chẳng chơi với ai, cũng chẳng ai chơi với nàng.

Nàng đã bị thành phố làm cho thay đổi.


Bữa cơm trưa
Nguyễn Thị Nga

Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo., khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.

Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba ...

Ca Dao Thương Mẹ
Trung Dung

Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc. Con ngoan học giỏi, mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười. Lớn lên nghe câu hát:
- Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.
Con lại khóc vì thương mẹ.

Cần Thiết
Mai Nhung

Ngày cô theo gia đình định cư nước ngoài. Thấy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời Thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi: " Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền ". Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp: " Anh chỉ cần em ".

Chị Và Em
Kim Ngân

Em đậu đại học. Một cuộc sống mới bắt đầu ở thành thị. Chị tiếp tục quãng đời “buôn quang bán gánh”.
Mỗi lần về quê thăm, chị luôn trầm trồ khen em ngày một “trắng da dài tóc”. Còn em xót xa nhìn chị gầy và đen hơn. Nhưng sao nụ cười của chị vẫn hồn nhiên, rạng rỡ… Khi đi, chị dúi vào tay em mỗi lần một nhiều hơn. Em bâng khuâng, nước mắt lưng tròng…
Cuộc sống mới lại cuốn em vào vòng xoáy. Em có những niềm vui mới, những cuộc chơi mới. Nỗi bâng khuâng thoáng chốc vụt tan ra…
Vô tâm
Tác giả: Nguyễn Lưu Huỳnh

Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe dì dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà cả hai người đều rất thích.
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì dượng. Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi:
- Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi tôi cũng chẳng biết ba mẹ tôi thích điều gì nhất.

Điều không đơn giản

Tác giả: Chi Chi

Chị lấy chồng. Anh là người thành đạt và giàu có. Thời gian rảnh, chị chỉ lo giữ gìn vóc dáng và săn sóc sắc đẹp. Bạn bè ai cũng ganh tị với anh.
Cơm tối. Anh cười: " Lâu quá rồi thấy thèm món bó xôi xào của em ".
Chị nhìn anh, giật mình. Món bó xôi hồi xưa chị xào, mềm mụp. Lâu rồi chị chưa vào bếp

Đành thôi
Tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…

Xa xứ
tác giả: Bùi Phương Mai

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."

Viết cho cha
tác giả: Minh Tú

Con xin tiền đóng học phí học thêm Anh văn. Cha nói để cha tính. Mấy ngày sau cha mới có tiền đưa con.
Một lần trốn học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen: cha của con. Cha chạy xe ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm
Tuổi thơ
Tác giả: Ngọc Chi

Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.

Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để "tụ" trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp...

Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà... Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.
Trước... sau
Tác giả: Mây Xanh

Trước, ở nhà tập thể, căn phòng hẹp tí chỉ đủ kê chiếc gường, cái bàn. Ba chạy xe đạp ôm. Mẹ ở nhà chăm sóc con. Con còn nhỏ hay khóc đòi quà. Ba mẹ vỗ về, con nín. Cả nhà cùng cười.

Sau, ba nghĩ chạy, vào làm trong một xí nghiệp. Mẹ phụ việc cho nhà người bà con. Rồi ba mẹ xây nhà mới khang trang hơn. Cả ba và mẹ đều bị cuốn mình vào công việc. Con lớn không còn khóc vòi vĩnh và thường được ba mẹ mua quà cho. Nhưng cả nhà ít khi cười cùng nhau.
Luật lệ
Tác giả: Hoài Như

Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngã tư. Một hôm, bé thắc mắc:
- Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả me?
- ...
Có khi bé góp ý:
- Đèn đỏ mà. Sao mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt mẹ thì sao?
- ...
Một hôm, mẹ dừng lại ngay ngã tư đèn đỏ. Bé giục:
- Không có các chú công an. Chạy luôn đi mẹ.

Lễ tốt nghiệp
Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi: - Má! Má lên đây làm gì? - Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp. - Không được đâu. Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này. - Thì má còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má... - Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia. Tụi bạn con nó cười. Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường. Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: - Sinh viên Phạm Thị X là một trong những sinh viên xuất sắc của trường ->Doc them

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét